Sống không giận, 
Không hờn, không oán trách. 
Sống mĩm cười, 
Với thử thách, chông gai. 
support

support

loading...  loading...
Today:  User: 
 
PHIẾM LUẬN VỀ “BÀ CHÚA THƠ NÔM”
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một con người đặc biệt trên phương diện thi ca lẫn cuộc sống riêng tư. Do các bài thơ của bà hầu hết đều viết bằng chữ Nôm, bởi vậy nhà thơ Xuân Diệu lúc sinh thời đã gọi bà với danh xưng “Bà chúa thơ Nôm”. Điểm dễ nhận thấy trong các tác phẩm của mình, nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay dùng thi pháp theo lối “thanh thanh tục tục” đễ gieo vần nhả chữ. Trong một xã hội trọng nho giáo thời xưa, thơ của bà khiến nhiều tao nhân mặc khách phải sửng sốt vì độ táo bạo, khối vị dù thèm nhỏ dãi vẫn phải tỏ khí tiết thanh cao của người quân tử năng đọc sách Thánh hiền. Tuy nhiên trong con mắt bỡn cợt của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà hiểu rõ tim đen của cánh đàn ông cũng như dục vọng của họ, bài:
 
THIẾU NỮ NGỦ NGÀY là một minh chứng;
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông.
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc.
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm.
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/.
Đi thì cũng dở, ở không xong”.
Bên cạnh những bài thơ vịnh đúng niêm luật, Hồ Xuân Hương rất chú trọng đến những vần thơ 18+, thông qua những câu thơ tưởng như vô tình, bà đã phác họa cho các bậc tu mi nam tử thấy những hình ảnh phồn thực vô cùng sống động. Nói một cách chính xác, chỉ bằng những vần thơ của mình, bà khiến cho đấng mày râu ngẩn ngơ vì cảm giác như đứng trước một người đẹp vừa tắm xong nhưng quên mặc váy, câu nói “trong thơ có họa’ rất đúng với những bài thơ này, điển hình như bài:
QUẢ MÍT
“Thân em như quả mít trên cây.
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay”.
Hay như bài ĐÈO BA DỘI
“Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”
Hồ Xuân Hương sống ở thời định kiến xã hội còn khắt khe, người phụ nữ phải tuân thủ “tam tòng tứ đức” của nho giáo. Tuy nhiên bà miệt mài làm thơ, bằng đầu óc quan sát tinh tế, sự liên hệ tài tình, những bài thơ của bà có thể gọi là thơ nude, thơ xxx cũng chả sai. Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ dùng lời lẽ ẩn dụ để chỉ việc quan hệ tình dục, một chủ đề cấm kị thời đó, bài:
 
VỊNH CÁI QUẠT, là một ví dụ điển hình
“Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dán tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”
 
ĐÁNH CỜ
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà nảy lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp còn đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu,
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà….”
Đã có nhiều nhà phê bình văn học, các nhà nghiên cứu cho rằng thơ của Hồ Xuân Hương nói lên tiếng nói của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Tuy nhiên tôi lại nghĩ khác, bà nói lên chính tiếng lòng của mình trước tiên. Vốn là người luôn cảm thấy thiếu thốn trong cuộc sống tình cảm vợ chồng, đến nhu cầu cơ bản nhất trong cuộc sống lứa đôi là việc ái ân chả mấy khi được trọn vẹn, chưa kể còn phải chia năm xẻ bảy với những phụ nữ khác. Là một phụ nữ tài giỏi, Hồ Xuân Hương chẳng âm thầm cắn răng chịu đựng như nhiều người phụ nữ khác, bà không chọn cách giã gạo, xay thóc cả đêm cho mệt rồi lăn ra ngủ, bà trút hết nỗi niềm vào thơ. Trên trang giấy, bà mới tìm được sự tự do biểu đạt của chính mình. Tuy vậy khi thời tiết giao mùa, với tâm hồn nhạy cảm của mình, bà cám cảnh giãi bày tâm sự qua bài:
 
LẤY CHỒNG CHUNG
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Năm chừng mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Nỗi này ví biết dường này nhỉ
Thời trước thôi đành ở vậy xong.”
Cho đến ngày nay, có biết bao nhà thơ miệt mài sáng tác, thử hỏi mấy người có nhiều bài đọng lại trong lòng công chúng như bà. Thơ của bà phải khiến cho các bậc túc nho đỏ mặt khi đọc, nhưng lúc ngồi một mình các vị vuốt râu cười sảng khoái, thơ của bà khiến đám mày râu cảm thấy rạo rực trong người, cánh chị em phụ nữ ngồi thì thầm với nhau một cách thích thú. Mỗi bài thơ như một thước phim, có màn khởi đầu, có cao trào mãnh liệt rồi lại trở về khoan thai. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với di sản hàng trăm bài thơ Nôm để lại cho hậu thế, bà đã vượt qua vòng lễ giáo cương tỏa để bước chân vào ngôi đền thiêng của Văn chương và Nghệ thuật, đáng nể lắm thay.
Cả cuộc đời “Bà Chúa Thơ Nôm” sống tại đất Kinh Kỳ Kẻ Chợ, cuối cùng do nhiều biến động của thời cuộc, giờ đây mộ phần của bà đã nằm sâu dưới lòng Hồ Tây lộng gió. Âu cũng là sự an bài của trời và đất, của trăng và sao, của mây và gió.
 
---
Kính phục bà.
Hà Nội, ngày 12/08/2023
Bùi Ngọc Phúc.

  TOP PAGE

Web hosting by Somee.com