Cuối cùng, chế độ ẩn danh của Google đã được làm sáng tỏ, họ đã lừa chúng ta bao năm
Để giải quyết vụ kiện kéo dài nhiều năm, Google đã đồng ý xóa “hàng tỷ bản ghi dữ liệu” được thu thập từ người dùng ở “Chế độ ẩn danh” (Incognito mode) trên trình duyệt Chrome. Điều này đã chính thức làm sụp đổ niềm tin đây là chế độ lướt web hoàn toàn riêng tư mà Google bấy lâu nay công bố.

Nếu bạn vẫn còn quan niệm rằng “Chế độ ẩn danh” của Google Chrome là một cách tốt để bảo vệ riêng tư trực tuyến thì bây giờ là thời điểm thích hợp để dừng lại.
Theo tờ Wired, Google đã đồng ý xóa “hàng tỷ bản ghi dữ liệu” mà công ty đã thu thập trong khi người dùng duyệt web bằng “Chế độ ẩn danh” trên trình duyệt Chrome, theo tài liệu nộp lên tòa án liên bang ở San Francisco hôm 1/4.
Hành động xóa bỏ hàng tỷ bản ghi dữ liệu này của Google là một trong những động thái mà gã khổng lồ tìm kiếm thực hiện để giải quyết vụ kiện tập thể được đệ trình vào năm 2020. Đó là vụ kiện tập thể cáo buộc Google đã thu thập lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng của mình ngay cả khi họ đang ở chế độ duyệt web riêng tư.
Theo các điều khoản thỏa thuận dàn xếp vụ kiện, Google phải cập nhật thêm thông tin giới thiệu trên trang web ở “chế độ ẩn danh”. Theo đó, Google phải tuyên bố rõ ràng rằng họ vẫn thu thập dữ liệu từ các trang web của bên thứ ba bất kể bạn sử dụng trình duyệt ở chế độ nào. Đồng thời, các trang web và ứng dụng của bên thứ ba tích hợp dịch vụ của Google vẫn có thể chia sẻ thông tin với Google. Thông tin chi tiết về việc thu thập dữ liệu duyệt web riêng tư của Google cũng phải xuất hiện trong chính sách bảo mật của công ty.
Các bước khác mà Google phải thực hiện sẽ bao gồm tiếp tục “chặn cookie của bên thứ ba trong chế độ ẩn danh trong 5 năm”, biên tập lại một phần địa chỉ IP để ngăn việc nhận dạng lại dữ liệu người dùng ẩn danh và xóa một số thông tin tiêu đề nhất định hiện có thể được sử dụng để nhận dạng người dùng đang hoạt động ở chế độ ẩn danh.
Để thực hiện những việc trong thỏa thuận dàn xếp vụ kiện tập thể, trong gần bốn năm qua, Google đã loại bỏ dần cookie của bên thứ ba và công ty cho biết họ có kế hoạch chặn hoàn toàn vào cuối năm 2024. Google cũng đã cập nhật trang giới thiệu chế độ ẩn danh của Chrome vào tháng 1 biểu thị rằng việc sử dụng ẩn danh không phải là “riêng tư” mà chỉ “riêng tư hơn” so với việc không sử dụng nó.
Theo tờ Wired, việc dàn xếp vụ kiện tập thể này không loại trừ bất kỳ khiếu nại nào trong tương lai nếu Google không thực hiện những thay đổi trong việc thu thập dữ liệu.
Kết quả vụ kiện tập thể trên là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Google đã lừa dối người dùng bao năm nay về tính riêng tư của chế độ ẩn danh, một tính năng chính của trình duyệt Chrome kể từ năm 2008. Điều tệ nhất là nó khiến mọi người có cảm giác an toàn trong khi họ vẫn bị các công ty như Google giám sát hoạt động lướt web.
Hầu hết các trình duyệt ngày nay đều có tính năng "duyệt web riêng tư" hay chế độ ẩn danh cho phép bạn có thể giấu lịch sử duyệt web. Tuy nhiên, tính năng này không hoàn toàn "riêng tư" trước các công cụ thích hợp. Liệu sử dụng trình duyệt ẩn danh có an toàn? Nếu không thì chúng ta có thể làm gì?
Trình duyệt ẩn danh hoạt động như thế nào?
Khi bạn kích hoạt chế độ duyệt web ẩn danh, trình duyệt sẽ ngừng ghi lại lịch sử duyệt web của bạn. Chúng còn ngăn việc tạo mới hay chỉnh sửa các cookies, cũng như siết chặt hoạt động của trình duyệt theo từng người dùng. Một số tính năng duyệt web ẩn danh cũng cho phép vô hiệu hóa các tiện ích mở rộng, hoặc có thể tùy chỉnh bởi người dùng.
Đó là tất cả những gì diễn ra khi chúng ta bật tính năng ẩn danh. Nó chẳng khác gì việc bạn sử dụng trình duyệt một cách bình thường và xóa toàn bộ lịch sử duyệt web và cookies sau khi dùng xong vậy. Tính năng này rất hữu dụng trong việc ngăn những người dùng chung máy tính biết lịch sử duyệt web của bạn. Tuy nhiên nó hoàn toàn vô dụng trước những công cụ theo dõi trình duyệt.
Trình duyệt ẩn danh có bị theo dõi hay không?
Đang tiếc là tính năng này không thể ngăn chặn người khác truy ra vị trí của bạn hay sử dụng các công cụ theo dõi khác để đánh cắp dữ liệu.

1. Bạn vẫn có thể bị xem trộm màn hình từ đằng sau
Một hình thức theo dõi phổ biến là xem trộm màn hình. Tính năng duyệt web riêng tư không có các phương thức bảo vệ đặc biệt để ngăn người khác xem trộm màn hình của bạn. Nếu bạn có thể xem được thì ai đó đứng sau lưng bạn cũng xem được mà các phương thức bảo mật của trình duyệt không thể làm gì được.
Nếu bạn sử dụng trình duyệt ẩn danh để che dấu tung tích của mình thì đừng quá thoải mái. Hãy đảm bảo rằng không ai có thể đứng sau lưng và xem lén màn hình của bạn.
2. Lưu lượng truy cập mạng vẫn có thể truy ra hoạt động của bạn
Trình duyệt ẩn danh ngăn máy tính lưu lại lịch sử truy cập. Tuy nhiên, lịch sử lưu lượng truy cập mạng ra vào máy tính vẫn không bị xóa đi. Nếu bạn sử dụng máy tính tại trường học hoặc nơi làm việc, bạn vẫn sẽ để lại dấu vết.
Chính vì vậy, nếu bạn lén sử dụng trình duyệt ẩn danh để chơi game trong giờ học hay giờ làm việc, bạn vẫn có thể gặp rắc rối đấy. Bạn sẽ cần phải mã hóa hoặc chuyển hướng truy cập đầu ra để che đậy dấu vết của mình.
3. Trang web vẫn biết bạn là ai
Nếu bạn nghĩ rằng sử dụng trình duyệt ẩn danh có thể che dấu danh tính của bạn với trang web thì bạn nhầm to rồi đấy. Giống như ở trên đã nói, dữ liệu truy cập của bạn truyền ra ngoài không được mã hóa thêm lớp nào dù có sử dụng trình duyệt ẩn danh. Điều này có nghĩa là trang web bạn truy cập vẫn có thể biết được bạn đến từ đâu.
Một số trang web sẽ từ chối nếu bạn truy cập từ quốc gia có trong danh sách cấm truy cập. Nếu bạn thấy những trang web có hạn chế truy cập, ví dụ như những bộ phim nhạy cảm về chính trị chẳng hạn, thì có nghĩa là chỉ một số quốc gia có thể truy cập vào trang web đó và xem bộ phim. Sử dụng trình duyệt ẩn danh vẫn sẽ để lộ vị trí địa lý nên bạn vẫn không thể xem bộ phim kia.
4. Một cuộc tấn công trung gian vẫn rất hiệu quả
Đến đây thì có lẽ bạn đã biết trình duyệt ẩn danh không an toàn như bạn vẫn nghĩ. Nhưng chưa hết, chúng ta chỉ mới đề cập đến việc lưu lượng truy cập của bạn trong nội bộ công ty hay tòa nhà nơi đặt máy tính và tại trang web mà bạn truy cập. Chúng ta vẫn chưa đề cập đến khoảng không ở giữa, chính là phần còn lại của tảng băng chìm. Đó là toàn bộ những gì ở giữa điểm đầu và điểm cuối, giữa bạn và trang web.
Một số thứ ở giữa đường truyền truy cập của bạn không phải là phần mềm độc hại. Ví dụ như nhà cung cấp dịch vụ mạng của bạn chẳng hạn, họ sẽ xem lưu lượng truy cập mạng của khách hàng để xác nhận bạn không vi phạm pháp luật. Trình duyệt ẩn danh không thể che giấu lịch sử truy cập với nhà cung cấp dịch vụ, do vậy nếu bạn có phạm pháp thì vẫn bị tóm mà thôi.
Ngoài ra, những con mắt tò mò còn lại chính là mối đe dọa lớn, điển hình là phương thức tấn công Man in the Middle, hay còn gọi là tấn công trung gian. Phương thức tấn công này là xen vào đường truyền lưu lượng truy cập của bạn và đánh cắp thông tin cá nhân. Tất nhiên là trình duyệt ẩn danh của bạn không thể làm gì được chúng và cũng không thể bảo vệ bạn khỏi những cuộc tấn công này.

5. Phần mềm độc hại và tiện ích mở rộng trên trình duyệt vẫn có thể ghi lại lịch sử truy cập
Trình duyệt ẩn danh không hề ngăn chặn các phần mềm khác đang có hoạt động theo dõi trên máy tính của bạn. Phần mềm độc hại và cả những tiện ích mở rộng trên trình duyệt vẫn có thể nắm được toàn bộ hoạt động trên mạng của bạn, dù bạn có dùng trình duyệt thường hay tính năng ẩn danh đi chăng nữa.
Bất cứ tiện ích mở rộng nào thu thập thông tin từ trình duyệt đều có thể hoạt động ở chế độ ẩn danh. Đây là lý do vì sao khi bạn kích hoạt chế độ ẩn danh, một số trình duyệt sẽ mặc định vô hiệu hóa toàn bộ tiện ích mở rộng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bật chúng lên và để chúng theo dõi hoạt động của bạn dù đang ở chế độ ẩn danh.
Phần mềm độc hại thì tất nhiên không cần đến sự cho phép của bạn mới có thể theo dõi hoạt động của bạn. Ví dụ với keylogger chẳng hạn, phần mềm này sẽ ghi lại tất cả những gì bạn đã gõ trên bàn phím, dù là bạn dùng trình duyệt chế độ nào đi nữa.
6. Theo dõi thói quen duyệt web vẫn có thể tìm ra bạn
Có thể bạn chưa biết rằng thói quen duyệt web ở mỗi người là độc nhất. Từ hệ điều hành đến phần cứng máy tính, người ta vẫn có thể sử dụng những thông tin này để xây dựng một cơ sở dữ liệu về bạn. Thậm chí nếu bạn mua lại máy tính cũ, bạn vẫn có thể bị lộ danh tính thông qua trình duyệt bạn sử dụng, những plugin đã cài, múi giờ của bạn và cả ngôn ngữ hệ điều hành của máy tính.
Quá trình này được gọi là Browser fingerprinting, đó là khi một trang web tập hợp dữ liệu và bạn và cách bạn duyệt web mà không cần phải cài cookies trên máy tính của bạn. Trình duyệt ẩn danh vẫn không thể can thiệp vào những dữ liệu này, do đó nó hoàn toàn không thể che giấu danh tính cho bạn.

Ảnh: Pixel Privacy
Làm thế nào để có thể "ẩn danh" một cách thật sự hiệu quả?
Vậy là chế độ duyệt web ẩn danh không phải là lựa chọn tốt để bảo vệ danh tính cho bạn. Vậy chúng ta nên làm thế nào?
Đầu tiên, bạn nên cài đặt plugin HTTPS Everywhere có trên Chrome hoặc Firefox. Đúng như tên gọi, plugin này buộc sử dụng kết nối SSL khi có thể. Dù không hẳn là giải pháp tối ưu nhưng nó vẫn có ích. Bạn cần chú ý là plugin này có thể tác động đến quá trình truy cập một số trang web.
Thứ hai hãy sử dụng VPN. Phần mềm này sẽ mã hóa dữ liệu trước khi rời khỏi máy tính của bạn và gửi đến máy chủ VPN trước khi đến trang web đích. Nếu có ai đó thế bắt được dữ liệu của bạn trên đường truyền thì cũng không thể biết được nội dung cũng như nơi đến của chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng máy chủ proxy để giấu địa chỉ truy cập. Cách này không mã hóa dữ liệu của bạn nên chúng vẫn có thể bị thu thập, tuy nhiên nó là cách hữu dụng để truy cập các trang web cấm.
Nếu bạn muốn truy cập sâu hơn, hãy sử dụng trình duyệt Tor. Không chỉ dữ liệu, lưu lượng truy cập của bạn được mã hóa, mà nó còn chuyển qua nhiều điểm trung gian để xóa dấu vết vị trí thực của bạn. Tuy vậy, bạn không thể lựa chọn vị trí các điểm trung gian, do vậy đôi lúc bạn không thể truy cập trang web nào đó do bị chặn truy cập theo vị trí địa lý. Nhưng Tor vẫn là một trình duyệt có khả năng bảo mật tuyệt vời và hoàn toàn miễn phí.
Cuối cùng, bạn nên cài phần mềm diệt virus trên máy tính và cập nhật thường xuyên. Phần mềm diệt virus sẽ giúp phát hiện các phần mềm độc hại và ngăn chặn chúng theo dõi thói quen truy cập internet của bạn.
Luôn bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng
Như vậy, dù bạn có sử dụng chế độ ẩn danh trên trình duyệt thì bạn vẫn có thể bị theo dõi. Chế độ ẩn danh không phải là công cụ có thể bảo vệ dữ liệu, cũng như danh tính của bạn trên internet. Có những công cụ thích hợp có thể bảo vệ bạn và chúng hoàn toàn miễn phí.
Minh Bảo theo Makeuseof.com
Nguồn: Cuối cùng, chế độ ẩn danh của Google đã được làm sáng tỏ, họ đã lừa chúng ta bao năm (vnreview.vn)