6 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm
Huyết áp cao, các vấn đề về thị lực, tê tay chân hay đau đầu... là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm.

Ảnh: Discovery Village
1. Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể làm tổn thương dây thần kinh trong não hoặc làm suy yếu mạch máu. Không những vậy, huyết áp cao còn là nguyên nhân gây ra cục máu đông và đột quỵ.
2. Vấn đề về thị lực
Đột quỵ có thể gây ra các vấn đề về thị lực, chẳng hạn như ảo ảnh quang học hoặc mờ mắt. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện ở Anh, khoảng 1.300 người bị đột quỵ cho biết họ bị suy giảm thị lực từ rất sớm.
3. Liệt chi
Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ là tê ở mặt, cánh tay hoặc chân. Trong một số trường hợp, nếu không được điều trị, một bên mặt hoặc một nửa cơ thể cũng có thể bị liệt.
4. Chóng mặt, mệt mỏi
Chóng mặt hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu sớm của đột quỵ. Tình trạng này là kết quả của việc não đang chịu sự tác động nào đó.
5. Đau đầu
Trong cơn đột quỵ, lưu lượng máu lên não bị chặn hoặc gián đoạn vì một số lý do, có thể do tổn thương mạch máu. Tình trạng này có thể gây ra chứng đau nửa đầu nghiêm trọng và đau đầu dữ dội.
6. Đau cổ và vai
Tổn thương hoặc vỡ mạch máu trong não có thể gây đau cổ và vai. Ngoài ra, nếu bạn không béo phì hay mắc bệnh gì mà đột nhiên không thể chạm cằm vào ngực thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Cách phòng ngừa nguy cơ đột quỵ
- Kiểm soát và hạ huyết áp: Theo Liu Xintong, giáo sư, giám đốc và bác sĩ trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Số 2 Quảng Đông, Trung Quốc, cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp cao, điều trị hạ huyết áp tích cực nhằm kiểm soát huyết áp tâm thu <130 mmHg, có thể giảm 32% nguy cơ đột quỵ. Điều trị tích cực chứng tăng huyết áp tâm thu đơn giản ở người cao tuổi có thể giảm 42% nguy cơ đột quỵ.
- Bỏ thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động: Hút thuốc có thể đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch, tăng độ nhớt của máu, làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ.
- Điều trị bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên nhiều lần.
- Tăng cường hoạt động thể chất phù hợp: Những người tăng cường hoạt động thể chất vừa phải có nguy cơ đột quỵ thấp hơn từ 25% đến 30% so với những người ít hoạt động thể chất.- Chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng: Lượng trái cây và rau quả có mối tương quan nghịch đáng kể với nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn nên đa dạng, chủ yếu dựa vào ngũ cốc, với lượng vừa phải cá, thịt gia cầm, trứng và thịt nạc, đồng thời nhiều trái cây, rau, sữa và đậu nành. Nên bổ sung rau trong các bữa ăn và ăn trái cây hàng ngày, không nên dùng nước ép rau củ để thay thế.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt béo bụng, có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu: Rối loạn mỡ máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây xơ vữa động mạch và đột quỵ. Hầu hết các nghiên cứu đều phát hiện ra mức cholesterol toàn phần có mối tương quan thuận với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Cải thiện tình trạng rung nhĩ: Rung nhĩ là nguyên nhân chính gây tắc mạch não và bệnh nhân bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng gấp 4-5 lần. Rung nhĩ là rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều. Các triệu chứng bao gồm: đánh trống ngực, đôi khi mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở và thoáng ngất. Khi rung nhĩ, bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành huyết khối trong tâm nhĩ, trôi theo dòng tuần hoàn gây đột quỵ.
- Loại bỏ ảnh hưởng của rượu: Uống rượu, đặc biệt là nghiện rượu, có thể làm hỏng mạch máu, gây rối loạn dinh dưỡng thần kinh và rối loạn chuyển hóa.
- Giữ tâm lý cân bằng: Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng căng thẳng cảm xúc có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện và phát triển của chứng xơ vữa động mạch cũng như tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch, mạch máu não.
Nên làm gì khi thấy có người bị đột quỵ?
Đầu tiên, đặt bệnh nhân nằm ngửa, nới lỏng cổ áo và không quay đầu bệnh nhân qua lại để tránh tình trạng chảy máu hoặc nhồi máu não trầm trọng hơn.
Thứ hai, khi nghi ngờ có người bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị đột quỵ càng nhanh và an toàn càng tốt.
Thứ ba, nên có người đi cùng bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị nhồi máu não và đến bệnh viện tốt nhất trong vòng 3 giờ có thể được điều trị tiêu huyết khối nếu không có chống chỉ định và phẫu thuật lớn trong vòng 6 giờ. Cắt bỏ huyết khối của mạch máu để tái thông mạch máu. Điều trị càng sớm, hiệu quả càng tốt.
Không sử dụng aspirin, nitroglycerin và các loại thuốc khác khi chưa được phép, mặc dù chúng có tác dụng điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nó có tác dụng phòng ngừa, nhưng nếu là đột quỵ do xuất huyết sẽ làm nặng thêm diễn biến của bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, người trẻ tuổi và bị cứng cổ khi mới phát bệnh.
>> Xem thêm bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ
Hằng Trần (Theo Baidu, Health)
Nguồn: 6 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm - Ngôi sao (vnexpress.net)