Bài thơ trong Sử thi Gilgamesh từ thời Lưỡng hà cổ đại (khoảng năm 2000 TCN) có ghi chép, một con rắn đã đánh cắp bí mật trường sinh của các vị thần, sau đó lột da và trẻ lại. Đây có lẽ là tài liệu tham khảo đầu tiên về khả năng lột da của rắn và niềm tin rằng rắn có thể sống mãi mãi.
Hiện các chuyên gia và nhà sử học chưa chắc chắn về nguồn gốc của Gậy Asclepius. Theo Giấy cói Ebers, một trong những tác phẩm y học lâu đời và quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại, biểu tượng này liên quan đến phương pháp loại bỏ giun Guinea ký sinh. Loài vật dài tới 80cm, thường di chuyển ngay dưới da, tạo thành mụn nước. Để loại bỏ nó, các bác sĩ sẽ rạch mụn trên da bệnh nhân. Khi con vật bò khỏi vết cắt, họ cẩn thận cuộn nó quanh một que dài đến khi toàn bộ cơ thể được lấy ra ngoài. Sau này, các cuộc tranh cãi về việc con vật quấn quanh Gậy Asclepius là giun hay rắn vẫn nổ ra lẻ tẻ.
Dù biểu tượng hai con rắn Caduceus có nguồn gốc phi y tế, vào cuối thời Trung cổ và Phục hưng, nó trở thành biểu tượng của thuật giả kim, được liên kết với nghề chữa bệnh, sau đó là dược phẩm. Nguồn gốc của mối tương quan này là bản thảo Hermetica, một tập hợp các văn bản về triết học, chiêm tinh học, giả kim thuật, ma thuật và y học.
Các văn bản Hermetica có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời kỳ Phục hưng, đã truyền cảm hứng cho nhiều trí thức lớn như Marsilio Ficino, Giovanni Pico della Mirandola và Giordano Bruno. Thuật giả kim và các thí nghiệm hóa chất đã đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực chuyên môn trong tương lai, như hóa học, khai thác mỏ, luyện kim, dược phẩm và y khoa. Do mối liên hệ giữa thuật giả kim và dược phẩm, từ thế kỷ 16 trở đi, Caduceus bắt đầu xuất hiện như một biểu tượng gắn liền với sự chữa lành.
Tuy nhiên, mãi đến thời hiện đại, hình ảnh hai con rắn quấn quanh cây gậy có cánh mới bị nhầm lẫn là biểu tượng y học.
Nhiều người suy đoán, Cục Hàng hải Mỹ năm 1857 là đơn vị chính thức sử dụng Caduceus trong y học hiện đại. Năm 1902, biểu tượng này đại diện cho Cục Quân y Mỹ và Cục Y tế Công cộng Mỹ. Các chuyên gia nhiều lần tranh luận cơ quan muốn một biểu tượng mang tính trung lập, mở rộng từ ý nghĩa ban đầu, hay đây đơn thuần là sự nhầm lẫn. Việc sử dụng Caduceus của cơ quan y tế chính phủ khiến biểu tượng được phổ biến toàn cầu.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều tổ chức y tế và hãng dược phẩm đã sửa đổi logo, thay thế Caduceus bằng Gậy Asclepius, đúng với ý nghĩa ban đầu. Dù vậy, Caduceus vẫn được xem là biểu tượng y học ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ngày nay, Gậy Asclepius được đặt trên logo của nhiều tổ chức y tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thục Linh (Theo Nature, Science Museum Group)
Nguồn: Tại sao biểu tượng y học là cây gậy và con rắn? - Báo VnExpress Sức khỏe